Một phút bất cẩn, cả đời ân hận

Tai nạn lao động xảy ra để lại hậu quả nặng nề cho người lao động và xã hội

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (ATLĐ), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 98 người chết, 1.915 người bị thương nặng. TP HCM là địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất, kế tiếp là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Đáng chú ý số lượng vụ TNLĐ và số người chết năm sau cao hơn năm trước trong vài năm trở lại đây.

60% do chủ quan

Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân chính của các vụ tai nạn do chủ quan của con người chiếm tới 60% với các yếu tố như: Không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không hoặc huấn luyện thiếu về an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ); không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn AT-VSLĐ.

Một phút bất cẩn, cả đời ân hận - Ảnh 1.

“An toàn là trên hết” – lời nhắc nhở được treo khắp nơi tại các công trình xây dựng

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, 860.000 người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn, AT-VSLĐ ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp (DN) và cả người lao động (NLĐ).

Gánh nặng cho gia đình

Rời quê hương Quảng Bình khô cằn sỏi đá, Nguyễn Đức Thuận vào Bình Dương làm phụ hồ cho một công trình xây dựng. Vào một sáng đầu tháng 4-2018, khi đang làm việc, anh Thuận bất ngờ bị một bó sắt nặng hàng chục ký rơi từ trên cao xuống trúng đầu. Thuận bất tỉnh và được các đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau 3 ngày hôn mê, dù đã được tích cực chữa trị nhưng anh bị tổn thương một bên não, bác sĩ khuyên anh không nên tiếp tục làm việc nếu muốn hồi phục. Anh Thuận cho biết tai nạn ập đến là do sự bất cẩn của tài xế xe cẩu, nâng hàng không tuân thủ các quy định. Cán bộ phụ trách ATLĐ tại công ty thì lơ là, không giám sát việc nâng hàng của tài xế xe cẩu.

Từ trụ cột trong gia đình, giờ anh Thuận trở thành gánh nặng cho vợ con khi họ phải thay nhau chăm sóc anh. Tiền bạc được chủ thầu nơi anh bị nạn hỗ trợ chẳng thấm vào đâu so với viện phí, thuốc men. Không thể đi làm được, lại cảm thấy đang là gánh nặng của vợ con, Thuận buồn tủi, tinh thần giảm sút khiến anh già đi nhanh hơn cái tuổi 41.

Trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp

Trong các ngành nghề có xảy ra TNLĐ, xây dựng là ngành chiếm tỉ lệ cao nhất với trên 20% tổng số vụ TNLĐ và chiếm hơn 19% số người chết do TNLĐ. Việc tuân thủ ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng dù được các cơ quan chức năng kiểm tra liên tục nhưng nhiều tai nạn thương tâm vẫn xảy ra do nhiều DN vì mục tiêu lợi nhuận mà xem thường tính mạng nhân công.

Ông Trần Văn Báu, Giám đốc Công ty TM-XD Sơn Tinh, cho rằng nhiều DN Việt Nam không chấp hành nghiêm chỉnh ATLĐ, đặc biệt là các DN xây dựng, sản xuất, khai thác… Ở nhiều công trình, dù khẩu hiệu “An toàn trên hết” được treo ở khắp nơi song không phải DN nào cũng nói đi đôi với làm. Nhiều DN phớt lờ hoặc xem nhẹ ATLĐ, không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định cơ bản về vệ sinh, ATLĐ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. “Nhà thầu thi công xây dựng phải bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác AT-VSLĐ trên công trường. Số lượng cán bộ phụ thuộc vào số lượng công nhân và phù hợp với quy mô công trường. Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho NLĐ, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng” – ông Báu lưu ý.

Anh Lê Văn Phúc, cán bộ quản lý ATLĐ tại một dự án cao ốc trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng ATLĐ tại công trường hiện nay được quản lý nghiêm ngặt hơn, ai không đủ điều kiện về ATLĐ đều được ban quản lý dự án mời ra. Ở công trình này, tất cả công nhân xây dựng đều được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ như quần áo, mũ, găng tay, khẩu trang…, được tập huấn rất kỹ về ATLĐ.

“Tuy nhiên, với đặc thù là công trình xây dựng, có hàng chục nhà thầu phụ cùng thi công với nhiều hạng mục khác nhau nên việc sơ sẩy làm rơi vãi vữa, thanh sắt, mảng bê-tông… đôi khi vẫn xảy ra do bất cẩn của vài người. Vì thế, theo tôi, việc phối hợp làm việc của từng nhà thầu trong một công trình cần đồng bộ hơn, tuân thủ ATLĐ và chủ động ngăn ngừa những nguy cơ có thể gây mất ATLĐ ngay nơi mình làm việc để tránh gây thiệt hại cho lao động khác” – anh Phúc nói thêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *